8 bẫy kinh điển trong bài thi IELTS Listening – Các thí sinh cần lưu ý

54

Các bạn đang ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS sắp tới và muốn đạt điểm cao? Vậy thì hãy cảnh giác với 8 cái bẫy kinh điển trong bài thi IELTS Listening mà TutorIn sẽ giới thiệu với bạn trong bài viết này. Cùng lưu ngay bài viết này và đọc thật kỹ để có thể vượt qua thử thách trong bài thi IELTS Listening sắp tới bạn nhé!

Trình tự thời gian

Trong đề thi IELTS Listening, các câu hỏi thường đặt bẫy thí sinh bằng cách so sánh tình huống trong hiện tại và quá khứ. Các bạn cần lưu ý một loạt các từ nhắc về thời gian như used to, in the past, many years ago, at present, now, in the future, v.v.

Ví dụ, trong tình huống cho thuê nhà, chủ nhà sẽ nói rằng trước đó từng có 5 người sống ở đây. Tuy nhiên, sau đó đã có 2 người chuyển đi, nên hiện tại chỉ còn lại 3 người còn ở. Vì vậy, câu trả lời đương nhiên sẽ phải là 3 thay vì 5 người.

Một ví dụ khác, một câu lạc bộ về sức khỏe khi giới thiệu về cơ sở vật chất của họ đã nói rằng, hiện tại họ chỉ có một phòng tập gym nhưng trong tương lai sẽ mở thêm một bể bơi. Nếu câu hỏi câu lạc bộ này có cơ sở vật chất gì thì câu trả lời chỉ bao gồm duy nhất một phòng tập gym.

So sánh dữ liệu

Hàng loạt các báo cáo dữ liệu xuất hiện trong đề thi IELTS Listening khiến rất nhiều thí sinh đau đâu, nhất là trong trường hợp có lượng lớn dữ liệu được đề cập hoặc việc đề thi diễn giải dữ liệu một cách phức tạp. Khi đó, các bạn thí sinh cần lưu ý chú tâm đến các cụm từ: minimum, maximum, least, most, up to, v.v.

Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch, đề thi nói rằng số lượng người trong một nhóm du lịch thường khoảng 30 người, nhưng vào mùa thấp điểm cũng sẽ có những nhóm nhỏ khoảng 20 người, và vào mùa cao điểm, số lượng tối đa sẽ là 40 người. Nếu câu hỏi là nhóm đông nhất có bao nhiêu người, thì tất nhiên đáp án chính xác sẽ là 40.

Chia tách thông tin

Trong bài thi, một thông tin hoàn chỉnh đôi khi có thể bị tách ra làm hai nửa và thêm nữa là các từ khóa thường không thể hiện rõ ràng. Khi trả lời câu hỏi, thí sinh phải lưu ý xâu chuỗi 2 mảnh thông tin này lại với nhau.

Ví dụ, trong bối cảnh tại trường học, giáo viên cho biết trong lớp học có 20 nam và 30 nữ. Sau đó, đến đoạn phỏng vấn, khi được hỏi hãy giới thiệu về bản thân thì những sinh viên được phỏng vấn cho biết họ đã sống ở NewYork 5 năm và ở Seattle 2 năm. Nếu câu hỏi về tổng số sinh viên trong lớp và thời gian họ sinh sống ở Hoa Kỳ thì câu trả lời phải là tổng hợp của cả 2 dữ liệu vừa nêu trên.

Lựa chọn thông tin

Loại bẫy này thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện giữa hai người, với đặc điểm là một người liệt kê một lượng lớn thông tin để người còn lại lựa chọn, còn người kia sau khi đánh giá sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn cần lưu ý các từ được dùng để diễn đạt sự đánh giá và quyết định như: should do, decide on, don’t want to, v.v. Lúc này, thí sinh cần phân biệt rõ ai là người ra quyết định, cũng như đâu là câu phân vân, đâu là câu quyết định cuối cùng.

Ví dụ, khi bàn về việc nên mang theo gì khi đi du lịch, một người cho rằng nên mang theo kem chống nắng, bình nước và áo len, người còn lại thì cho rằng kem chống nắng là cần thiết vì bạn sẽ ra biển để tắm nắng. Ngoài ra, mặc dù trời nắng nhưng chai nước chiếm quá nhiều diện tích. Người kia cũng sẽ không mang theo áo len mà thay vào đó là mang theo áo mưa. Như vậy, những vật dụng cuối cùng họ cần mang theo là kem chống nắng và áo mưa.

Chủ quan và khách quan

Trong bài thi IELTS Listening, các câu hỏi trắc nghiệm sẽ có sự mâu thuẫn giữa thực tế khách quan mong muốn chủ quan của người nói. Lúc này, các bạn thí sinh nên chú ý đến các từ như normal, common, want to, plan to, v.v. Ví dụ, khi phóng viên hỏi người được phỏng vấn sẽ ở lại bao lâu, người được phỏng vấn trả lời rằng anh ấy thường phải học ở trường trong ba năm, nhưng anh ấy dự định hoàn thành tất cả các khóa học trong vòng hai năm. Như vậy, thí sinh phải dựa trên câu hỏi để đưa ra câu trả lời hợp lý. Chẳng hạn nếu câu hỏi chỉ hỏi về quyết định của người sinh viên được phỏng vấn, câu trả lời sẽ là 2 năm.

Thông tin tương tự

Các thông tin tương tự, dễ gây nhầm lẫn với thông tin chínhthường được cài cắm vào bài thi , điều này khiến rất nhiều thí sinh mất điểm do không nhận thấy hoặc không phân biệt được đoạn thông tin chính. Chính vì thế, các bạn phải đặc biệt chú ý phân biệt rõ ràng các từ we, they và các đại từ khác.

Ví dụ: Khi giới thiệu về khóa học, nhân vật chính nói rằng trường đại học của họ chuyên đào tạo các khóa học về kỹ thuật và kinh doanh, trong khi một trường đại học khác gần đó lại nổi tiếng với nghệ thuật tự do. Do đó, khi đề bài hỏi về trường đại học của nhân vật chính, cụm từ nghệ thuật tự do nên bị loại trừ.

Hàm ý

Loại bẫy này khó hơn những bẫy đã được Ban biên tập đề cập ở trên và thường đòi hỏi thí sinh phải tinh ý và có sự hiểu biết nhất định để nhận ra. Ví dụ, trong quá trình thuê nhà, chủ nhà hỏi người khách có muốn ở với người khác không, người khách trả lời rằng anh ta muốn lấy bằng tiến sĩ và cần tập trung vào việc học, nếu anh ta sống cùng người khác thì sợ là anh ta sẽ bị làm phiền. Như vậy, ngụ ý củangười khách chính là anh ấy muốn ở trong một phòng đơn.

Chuyển đổi từ

Loại bẫy này thường không khó để nhận biết, nhưng các từ trong bài nghe gốc và các từ trả lời cần điền lại có những thay đổi nhất định và có thể gây khó khăn cho thí sinh trong việc chuyển đổi.

Phổ biến nhất thường là câu hỏi về quốc tịch. Khi điền thông tin cá nhân, quốc tịch thường sẽ điền ở dạng tính từ, nhưng người đọc trong bài lại sử dụng dạng danh từ. Trong đề cũng sẽ có những câu hỏi yêu cầu bạn chuyển đổi câu trả lời một cách phức tạp hơn. Ví dụ, trong phần giới thiệu có một người nói rằng anh ấy sinh ra ở London, mẹ anh ấy là người Tây Ban Nha, sau đó thì anh ấy đến Hoa Kỳ. Do đó, câu trả lời cho quốc tịch của anh ấy chính là “người Anh”.

Ví dụ về việc dự đoán trước bẫy có thể có trong đề thi:

Nếu thí sinh có thể nắm trước các loại bẫy nêu trên thì các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm câu trả lời. Hơn nữa, một số bẫy thường có gợi ý nhất định trong câu hỏi, các bạn thí sinh có thể phân tích câu hỏi và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các bẫy có thể xuất hiện trong bài. Sau đây là một vài ví dụ về cách phân tích mà ban biên tập đã chuẩn bị cho các bạn.

Total annual cost of insurance ________________

Câu trên chứa từ “Total” nên sẽ hỏi về tổng chi phí, từ đó ta có thể đoán được sẽ có bẫy chia tách thông tin trong bài

Fines start at ________________

Maximum group size _____________________

Computers can be booked up to _____________________ hours in advance

Gather data from at least ______________ subjects

Các cụm từ “Start at, maximum, up to, at least” xuất hiện trong câu hỏi đều chỉ ra rằng trong bài có thể có bẫy so sánh dữ liệu. Lúc này, chỉ cần chú ý tìm các cụm từ trên hoặc cụm từ trái nghĩa của chúng trong bài nghe là bạn có thể dễ dàng tìm ra đáp án.

Present course _________________

Intended length of stay_______________

Cụm từ “Present” và “Intended” lần lượt ám chỉ cho bẫy về trình tự thời gian và bẫy về thông tin chủ quan, khách quan.

Cost to join per year (without current student card): ____________

Câu hỏi trên có đề cập đến mục điều kiện “without current student card”, điều này gợi ý rằng ở câu hỏi này sẽ có bẫy các thông tin tương tự dễ gây nhầm lẫn.

Tóm lại, khi phân tích câu hỏi, các bạn thí sinh phải đặc biệt chú ý đến tính từ, trạng từ chỉ thời gian, trạng từ chỉ địa điểm và các thông tin bổ sung trong ngoặc đơn để có thể nhận ra các loại bẫy sẽ xuất hiện trong đề.