Phương pháp luyện thi IELTS Speaking Part 2 chính là câu hỏi mà TutorIn nhận được nhiều nhất từ các bạn thí sinh. Hiểu được nỗi lo của các bạn, ban biên tập TutorIn đã tổng hợp những phương pháp ôn luyện vô cùng hiệu quả trong bài viết này!
IELTS Speaking Part 2 là phần thi tương đối khó, đòi hỏi thí sinh phải trau chuốt các nội dung phần nói của mình tương ứng theo chủ đề. Phần thi này cho phép thí sinh có 1 phút chuẩn bị. Các bạn có thể tận dụng thời gian này để ghi chú một số ý chính, các thì và các cấu trúc câu có thể sử dụng cho chủ đề, sau đó trình bày trong 1-2 phút. Nội dung bài thi thường xoay quanh các yêu cầu mô tả về nhân vật, sự kiện, địa điểm, vật phẩm, v.v.
Rất nhiều thí sinh thi IELTS Speaking cảm thấy bối rối với bài thi Part 2. Nếu gặp những chủ đề mới, nhiều thí sinh cảm thấy khó khăn khi phải kể một câu chuyện dài gần hai phút mà chỉ có một phút chuẩn bị. Ngoài ra, phần thi Part 2 không chỉ yêu cầu bạn phải thông thạo ngôn ngữ, phát âm mà còn yêu cầu logic trình bày rõ ràng, mạch lạc nên việc chuẩn bị cho phần thi này chính là ưu tiên hàng đầu của nhiều thí sinh.
Mặc dù mỗi quý sẽ có bộ ngân hàng câu hỏi mới, nhưng thực ra có rất nhiều câu tương đồng hoặc trùng lắp với các câu hỏi cũ. Vì vậy, các bạn nên chuẩn bị cho mình những bộ câu hỏi có từ các quý trước, cũng như bộ câu hỏi thuộc những chủ đề thường gặp. Sau đây, ban biên tập sẽ hướng dẫn các bạn làm thể nào để sử dụng những bộ câu hỏi trên một cách hiệu quả nhất:
01. Phương pháp câu hỏi xâu chuỗi
Phương pháp xâu chuỗi là tìm kiếm điểm tương đồng giữa các chủ đề khác nhau, khám phá mối tương quan trong các chủ đề khác nhau và sau đó cố gắng sử dụng câu chuyện để kết nối nhiều chủ đề liên quan nhiều nhất có thể.
Việc ghép các câu hỏi về cùng một loại chủ đề cũng tương đối đơn giản: các bạn chỉ cần trích xuất từ khóa từ các chủ đề khác nhau rồi ghép chúng lại.
Ví dụ 1. Chúng ta có 3 chủ đề về địa điểm sau:
Câu 1. Hãy mô tả một cửa hàng mới mở gần đây ở thành phố/thị trấn của bạn.
Câu 2. Hãy miêu tả một địa điểm mà bạn đã đến, nơi có rất nhiều người.
Câu 3. Hãy miêu tả một địa điểm rất xa nhà bạn và bạn muốn ghé thăm nó trong tương lai.
Trích xuất từ khóa tương ứng từ các chủ đề trên, ta có: một cửa hàng mới, nơi có rất nhiều người ở xa muốn ghé thăm. Chúng ta có thể sử dụng chủ đề “một cửa hàng mới ở xa nhà nhưng bạn muốn đến và có rất nhiều người” để xâu chuỗi các chủ đề này lại với nhau.
Ví dụ 2. Chúng ta có 2 chủ đề sau:
Câu 1. Hãy mô tả một người mà bạn theo dõi trên mạng xã hội.
Câu 2. Hãy mô tả thứ bạn nhận được miễn phí.
Điều đầu tiên cần làm là tìm những điều có liên quan đến hai chủ đề này. Yếu tố thứ nhất trong đề là nhân vật, yếu tố thứ hai là vật phẩm. Sự kết hợp của cả hai có thể có nghĩa là người bạn theo dõi có thể tặng bạn vật phẩm miễn phí và vật phẩm miễn phí có thể đến từ các hoạt động give away trên mạng xã hội. Vì vậy, kết hợp hai điều đó lại với nhau, bạn có thể mô tả một câu chuyện trong đó bạn trúng giải give away trên mạng xã hội và tổ chức cũng chính là người mà bạn theo dõi trên mạng xã hội đó.
02. Thực hành nói và ghi âm lại
Một cách rất hiệu quả để chuẩn bị cho bài thi Speaking Part 2 là ghi âm lại câu trả lời của bạn. Thay vì liên tục đọc và đọc thuộc lòng đáp án, tốt hơn hết bạn nên luyện tập không có kịch bản và luyện tập trong thời gian giới hạn. Mỗi lần ghi âm, bạn nên bắt chước tình huống thi thật, đồng thời ghi lại cách phát âm, lỗi ngữ pháp, số lần bí từ, v.v. Chỉ khi đã hiểu rõ những thiếu sót của mình thì lần sau bạn mới có thể sửa chữa chúng.
Mỗi ngày, bạn hãy luyện tập liên tục một hoặc hai chủ đề và ghi ấm đi ghi âm lại phần trình bày của mình. Hai đến ba ngày trước kỳ thi, bạn có thể nghe lại đoạn ghi âm của chính mình để xem lại các chủ đề bạn đã nói, điều này không chỉ giúp ích cho việc ghi nhớ mà còn giúp bạn nhìn nhận được sự tiến bộ của mình nữa đấy!